Kết thúc quý II/2024, Công ty CP Nông nghiệp BaF Việt Nam (mã cổ phiếu BAF - sàn HoSE) ghi nhận doanh thu đạt 1.226 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân chủ yếu do sự suy giảm từ mảng kinh doanh nông sản. Trong khi đó, mảng chăn nuôi heo của BaF Việt Nam vẫn tăng trưởng tích cực với doanh thu đạt 806 tỷ đồng, gấp gần 5 lần so với cùng. BaF Việt Nam hiện đang trong quá trình tái cấu trúc kinh doanh, dần thu hẹp mảng kinh doanh nông sản để dồn lực cho mảng chăn nuôi heo khép kín 3F (Feed - Farm - Food).
Đồng thời, BaF Việt Nam không còn ghi nhận doanh thu ở mảng bất động sản và dịch vụ.
Nhà máy của BaF Việt Nam ở thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh
Lũy kế nửa đầu năm 2024, BaF ghi nhận doanh thu 2.518 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm, với sự chuyển dịch cơ cấu doanh thu từ nông sản sang chăn nuôi. Lợi nhuận đạt 153 tỷ đồng, tăng gấp 14 lần so với cùng kỳ, giúp công ty hoàn thành hơn 50% mục tiêu lợi nhuận năm.
Tính đến ngày 30/6/2024, tổng tài sản của BAF đạt 7.333 tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm. Trong đó, tiền mặt và tiền gửi đạt 1.155 tỷ đồng, gấp 2,7 lần so với đầu kỳ. Hàng tồn kho cũng tăng 22%, lên 1.942 tỷ đồng.
Tuy nhiên, doanh nghiệp lại đang đối mặt với khoản nợ phải trả trong ngắn hạn từ các ngân hàng lên tới gần 837 tỷ đồng.
Chưa kể nợ phải trả của BAF lên đến 5.271 tỷ đồng, tăng 14% chủ yếu do vay ngắn hạn và nợ thuê tài chính. Theo đó, vay ngắn hạn đạt 837 tỷ đồng (tăng 19%) và vay dài hạn đạt 1.709 tỷ đồng (tăng 6%).
Cụ thể BaF Việt Nam có 3.519 tỷ đồng là nợ phải trả ngắn hạn và 1.752 tỷ đồng là nợ phải trả dài hạn. Trong khi vốn chủ sở hữu của BaF Việt Nam là 2.062 tỷ đồng, trong đó 1.679,1 tỷ đồng là vốn góp của chủ sở hữu và có đến 235 tỷ đồng là lợi nhuận sau thuế cả năm nay và lũy kế đến cuối năm trước chưa phân phối.
BCTC hợp nhất quý 2/2024 thể hiện BaF Việt Nam đang nợ ngắn hạn 3.519 tỷ đồng
Với nợ dài hạn, báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2024 của BaF Việt Nam thể hiện, doanh nghiệp này có 1.246 tỷ đồng là khoản vay và nợ tài chính dài hạn từ các ngân hàng, trái phiếu thường dài hạn và thuê tài chính. BaF Việt Nam cũng có gần 464 tỷ đồng là trái phiếu chuyển đổi, hơn 28 tỷ đồng là thuế thu nhập cá nhân hoàn lại phải trả, và 14 tỷ đồng là nợ phải trả hoàn lại khác.
Còn với nợ ngắn hạn, BaF Việt Nam phải trả cho người bán khoảng 1.576 tỷ đồng trong ngắn hạn, khoảng 21 tỷ đồng phải trả người lao động, gần 63 tỷ đồng là chi phí lãi vay, chi phí vận chuyển… Đồng thời, BaF Việt Nam còn có khoản phải trả ngắn hạn khác lên tới 909 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Tổng Giám đốc Bùi Hương Giang, BAF còn dư nợ trái phiếu khoảng 600 tỷ đồng, từ hai lô trái phiếu đáo hạn vào 23/8/2025 và 4/7/2026.
Gần đây, BAF đã phân phối khoảng 2,768 triệu cổ phiếu ESOP cho nhân viên. Kết phiên giao dịch ngày 2/8, cổ phiếu BAF đứng ở mức 17.150 đồng, giảm nhẹ so với 17.300 đồng khi mở phiên.
Đánh giá về triển vọng kinh doanh của BaF Việt Nam, nhiều chuyên gia tài chính lo ngại doanh nghiệp sẽ lâm vào tình cảnh khó khăn khi lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh không đủ bù đắp các khoản nợ...